DUY XUYÊN: PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG VSATTP”

Sáng 15/4/2011, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011.

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm và đã có nhiều tiến bộ trong những năm qua: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đựoc bổ sung hoàn thiện hơn; công tác phối hợp liên ngành được tăng cường và ngày càng có hiệu quả; công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phát triển kinh tế xã hội.

Vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, về lâu dài còn ảnh hưởng đến phát triển nòi giống dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bức xúc: chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng một số nơi rau quả bị ô nhiễm hoá chất độc hại; thịt gia súc gia cầm, thuỷ sản của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh, hóc môn; việc sử dụng các hoá chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, điểm du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện chưa được quản lý tốt; ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn xảy ra làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, du lịch, văn minh đô thị.

Huyện Duy Xuyên cũng không nằm ngoài thực trạng đó, chỉ tính từ 1997 đến 2009, huyện ta đã 3 lần xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng lớn từ 20 đến 200 người tại Duy Trinh, Duy Nghĩa, Duy Châu; ngoài ra còn có những vụ ngộ độc tại gia đình gây tổn hại đến sức khoẻ và kinh tế của từng gia đình mà chúng ta chưa có điều kiện để thống kê hết được. Bên cạnh đó, tình trạng hàng thực phẩm giả, kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; các vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn nạn lâu nay. Các cơ quan chức năng từng đưa ra nhiều biện pháp và hàng năm đều có những tháng vệ sinh an toàn thực phẩm theo từng chủ đề khác nhau, nhưng  các loại thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh vẫn được bày bán tràn lan mà chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu và kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao; các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm chưa mang tính chuyên môn hoá; chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

Luật an toàn thực phẩm được Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, đã tạo bước ngoặc mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao được tính pháp lý, khắc phục những hạn chế của pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng được sự hội nhập quốc tế trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới ( WTO), góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao  sức khoẻ nhân dân. Với những ý nghĩa to lớn đó, nhằm nhanh chóng đưa luật an toàn thực phẩm đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý về an toàn thực phẩm, phổ biến nội dung luật an toàn thực phẩm đến mọi đối tượng (quản lý, sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm); Ban chỉ đạo Trung ương VSATTP đã phát động tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011 từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 năm 2011, với chủ đề: “ Sản xuất- kinh doanh- sử dụng thực phẩm theo Luật an toàn thực phẩm”.

Với mục tiêu: Huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý tham gia vào việc phổ biến tuyên truyền Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp các kiến thức khoa học trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. Tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

 Để tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện có chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đóng góp vào việc thúc đẩy mục tiêu phát triển KTXH của huyện trong những năm đến, vấn đề hiện nay cần quan tâm là phải tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ huyện đến cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường cải tiến và đa dạng hoá các hình thức truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho các đối tượng theo hướng tích cực và bền vững. Phát động mạnh mẽ phong trào sản xuất, kinh doanh, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Từng bước xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm luật an toàn thực phẩm.

Tại Lễ phát động, đồng chí Trần Thị Bích Thu – Phó Chủ tịch UBND huyện đã tuyên bố phát động tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011 trên địa bàn huyện, đồng thời kêu gọi các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các doanh nghiệp, trường học, các hộ gia đình cần có ý thức tốt trong công tác quản lý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức, đặc biệt là BCĐ vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ huyện đến các xã, thị trấn cần tích cực phối hợp với ngành y tế triển khai có hiệu quả các hoạt động  thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện vệ sinh môi trường, trang thiết bị dụng cụ và người lao động sản xuất. Ngoài ra phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân nhằm loại trừ dần những phong tục tập quán lạc hậu trong ăn uống hàng ngày. Đó chính là những hoạt động thiết thực nhất của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011.

Tin liên quan