Phát triển hậu cần nghề cá nhằm hiện đại hóa 3 khâu khâu khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản

Phát triển hậu cần nghề cá nhằm hiện đại hóa 3 khâu khâu khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản

Nhằm từng bước phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa cả 3 khâu gồm: Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản một cách bền vững, bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển ngày càng cao và nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến đi biển cho ngư dân, để kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.


Phân lợi, sơ chế hải sản tại cảng cá Hồng Triều, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Ảnh Đoàn Hữu Trung
Từ nhiều năm nay, khu neo đậu kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên luôn được ngư dân địa phương kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần thiết yếu để vươn khơi bám biển và tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến biển. Tuy nhiên suốt thời gian dài, những mục tiêu thiết thực này cũng vẫn là niềm mơ ước chưa thành hiện thực vì vướng mặt bằng, nút thắt vào cảng cá.
          Khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng thêm mức bồi thường kết hợp với tuyên truyền vận động, đến nay hộ gia đình có quyền lợi liên quan đã đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Có mặt bằng, nút thắt nối từ cảng cá với tuyến đường DH6, hạng mục cuối cùng của Dự án Khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều đang được gấp rút thi công. Theo kế hoạch, đoạn đường dẫn này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau một tháng thi công. Ngoài tuyến đường dẫn, đến thời điểm này, toàn bộ các hạng mục chính như: kè chắn sóng, cửa ra vào âu thuyền, nạo vét âu thuyền và các hạng mục kỹ thuật hỗ trợ cho khu neo đậu tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần đã được hoàn thiện. Trong mùa mưa bão năm nay, ngư dân ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An của tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận sẽ yên tâm khi đưa hơn 600 phương tiện tàu thuyền vào đây để tránh trú bão.
Ông Nguyễn Bụi, ngư dân xã Duy Nghĩa chia sẻ: Khu neo đậu tàu thuyền đã có từ lâu, song chỉ là khu neo đậu tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu an toàn cho tàu thuyền khi vào neo đậu trong mùa mưa bão. Vì vậy khi khu neo đậu kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, bàn con ngư dân không riêng xã Duy Nghĩa mà cả vùng đông huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và các địa phương lân cận đều phấn khởi.