Bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn A10

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 công nhận 23 bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021) trong đó có Đài thờ Mỹ Sơn A10 (Niên đại: Thế kỷ IX - X. Hiện lưu giữ tại đền A10, khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

1. Lý do lựa chọn

- Đây là một hiện vật gốc, độc bản.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 là bộ đài thờ gốc, độc bản, được sắp xếp và tái định vị ở vị trí ban đầu vốn có trong đền A10. Bộ đài thờ này còn khá nguyên vẹn, có hình khối vuông, giật cấp, đối xứng, hoa văn trang trí đặc trưng tương tự với kiến trúc của nó, mang phong cách Đồng Dương thế kỷ 9-10. Không bắt gặp một đài thờ nào khác cùng nền văn hoá Chămpa.

- Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật có hình thức độc đáo

 Tượng thờ Linga-Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay. Và là hiện vật tiêu biểu cho loại hình tượng thờ Linga-Yoni liền khối trong điêu khắc Chămpa. Linga chỉ có một phần tròn gắn liền với Yoni cùng một khối đá, có kính thước lớn nhất trong các loại hình tượng thờ Linga chỉ có một phần và liền khối với Yoni.

- Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật mang tính sáng tạo và biểu tượng cao trong hình dạng và kỹ thuật. Và là đài thờ tiêu biểu và duy nhất cho một giai đoạn thờ Shiva giáo thế kỷ 9-10 dưới vương triều Indrapara (875-915) của Vương quốc Chăm Pa còn lại cho đến nay.  

Tính sáng tạo cao được thể hiện ở hình thức thờ Shiva qua hình tượng linga-yoni với một phần tròn, không theo truyền thống vốn có của linga với 3 phần vuông, bát giác và phần tròn trên cùng như đài thờ Mỹ Sơn E1 được xây dựng trước đó hay linga-yoni tách rời nhau. Phần tròn này gắn liền khối với phần yoni, lại có kích thước rất lớn, lớn nhất trong các loại hình linga liền khối, có niên đại khá sớm thế kỷ 9-10. Mặc dù các hình thức thờ linga-yoni tìm thấy khá nhiều sau thế kỷ X tại các di tích thuộc nền văn minh Chăm Pa nhưng không có linga-yoni nào có được kỹ thuật và hình thức như đài thờ Mỹ Sơn A10.

Điều đáng chú ý nữa là đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được vật liệu và kỹ thuật xây dựng đá - là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá (ảnh 10). Kỹ thuật này chỉ còn lại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa cho đến nay.  

Hoa văn và đồ án trang trí ở phần chân và thân đài thờ  mang những mô típ đặc trưng của phong cách Đồng Dương. Mặc dù có những yếu tố kế thừa truyền thống về kỹ thuật và mỹ thuật của đài thờ được xây dựng trước đó là đài thờ Mỹ Sơn E1. Nhưng giai đoạn này cho thấy tính sáng tạo qua hình dạng và kỹ thuật xây dựng đài thờ. Phần đế của đài thờ có trang trí là phần rộng nhất, sử dụng vòm cửa nhỏ, trụ áp tường có trang trí, một số nhân vật như đạo sư ở mặt Bắc đài thờ trong tư thế rajalilasana đầu với kiểu thức jata-mukuta. Phần thân bệ thờ trang trí các gờ, gật cấp, đối xứng, các viền khung. Những đặc điểm trang trí này khá quen thuộc ở đài thờ Mỹ Sơn E1. Tuy nhiên, các họa tiết trang trí, các nhân vật xuất hiện dưới các vòm cửa nhỏ thể hiện rõ thời đại xây dựng đài thờ này. Đài thờ mô phỏng các mô típ kiến trúc của đền A10 và là những mô típ đặc trưng của phong cách Đồng Dương như các trang trí vòm cửa với hình sâu, các bó hoa hình đàn thất huyền trên trụ áp tường. Các nhân vật là các nhà tu khổ hạnh đứng dưới vòm cửa trong tư thế chắp tay trước ngực (anjali mudra) với sampot có hai dãi dây dài hai bên, đầu đội kirita-mukuta với chét hoa ở giữa, khuôn mặt hơi vuông, trán ngắn, dái tai lớn chảy trên vai.

Đây là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva giáo qua biểu tượng linga-yoni. Trong khi đó các kiến trúc và đài thờ cùng thời như phế tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một mảng tường cổng. Đài thờ này và kiến trúc của nó đền A10 là minh chứng quan trọng trong quá trình phát triển kiến trúc và điêu khắc tại Khu đền tháp Mỹ Sơn - một trong những tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa. Trãi qua bao biến cố lịch sử, đài thờ này và kiến trúc của nó trở thành ngôi đền chính thờ Shiva giáo tiêu biểu và duy nhất của giai đoạn thể kỷ 9-10 dưới vương triều Indrapura (875-915) còn lại cho đến nay. Mặc dù dưới vương triều Indrapara, Phật giáo phát triển nhưng Hindu giáo vẫn được thực hành mà minh chứng tiêu biểu nhất và mang tính biểu tượng cao nhất của Shiva giáo trong giai doạn này chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 và kiến trúc của nó.

2. Quá trình phát hiện, nghiên cứu và khai quật

Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) dưới sự chủ trì của Charles Carpeaux (1870-1904) và Henri Parmentier (1871-1949) đã tiến hành công việc phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật Khu đền tháp Mỹ Sơn từ 11/3/1903 đến 3/2/1904. Tuy nhiên, các hoạt động săn tìm báu vật đã diễn ra trước khi các chuyên gia EFEO can thiệp vào khu di tích này. Đài thờ và hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ trước khi tiến hành khai quật. Theo Parmentier, H., & Finot, L.,(1904:19, 22-3), hố thiêng đã bị đào bới và các khối đá thuộc bệ thờ bị ném sang bên cạnh, chỉ tìm được ở đó một phần bệ. Trọng lượng của linga-yoni và lòng đền chật chội không thể mang ra ngoài. Nhiều khối đá thuộc đài thờ nằm sâu dưới hố thiêng và một số khối được mang lên. Từ năm 1938 đến 1942, góc Tây Nam của đền A10 được trùng tu nhưng đài thờ vẫn không được chú ý. Sau chiến tranh năm 1975, việc phát lộ, dọn dẹp cũng được tiến hành tại đền A10 trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1992. Tuy nhiên, đài thờ vẫn không được phát lộ, nghiên cứu và lắp ghép theo đúng như hình dạng vốn có của nó.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2020 đã tiến hành phát lộ và trùng tu đền A10. Các thành phần đài thờ A10 gồm linga-yoni liền khối và 2 khối đá thuộc đài thờ nằm sâu 2m dưới hố thiêng và bị bồi lấp bởi đất lẫn gạch vỡ. Dưới đáy hố vẫn còn một lớp cát suối mỏng từ 3-5cm. Trong tháng 5, đã tiến hành nâng linga-yoni và 02 khối đá lên khỏi miệng hố và kết hợp với các khối đá thuộc đài thờ trước đền A10 để tiến hành nghiên cứu và lắp ghép một cách hoàn chỉnh đài thờ từ 17 khối đá và nhiều mảnh vỡ nhỏ. Đài thờ hoàn chỉnh có kích thước: cao 226cm, dài 269cm, rộng 258cm. Yoni có kích thước dài 2m25, rộng 1m69, dày 31cm. Linga có đường kính 55cm, cao 57cm.

3. Vị trí và kết cấu đài thờ A10

- Vị trí đặt đài thờ

Để xác định được vị trí ban đầu của đài thờ A10, chúng tôi đã căn cứ vào thực tế hiện trạng trong lòng đền A10 và các tài liệu liên quan của Henri Parmentier. Nhưng giữa bản vẽ và hiện trạng có sự khác nhau về độ cao của mặt bằng trong lòng đền A10 - nơi đặt đài thờ. Theo bản vẽ, mặt bằng đặt đài thờ có cùng độ cao với lối vào của phần tiền sảnh. Nhưng theo thực tế, nền nguyên gốc bằng gạch vẫn còn trong lòng đền A10 (chỉ một vài vị trí bị bong ra) thấp hơn so với lối vào là 25cm. Thêm nữa, khi Parmentier vẽ mặt cắt đền A10 thì hố thiêng và đài thờ đã bị xáo trộn trước đó nên có thể bản vẽ chỉ là giả định vị trí đài thờ mà thôi. Vì vậy đài thờ được đặt theo mặt bằng nền nguyên gốc.

Xác định hướng của các mặt đài thờ, ngoại trừ linga-yoni, yoni có vòi quay về hướng Bắc, linga với đường gờ mang tính biểu tượng quay về hướng chính của đền A10 là hướng Tây, còn lại các mặt của bệ thờ có bố cục chung giống nhau. Tuy nhiên, về chi tiết trang trí phần đế có sự khác nhau. Để xác định mặt chính của đài thờ - mặt xoay về hướng Tây theo đền A10 thì chúng tôi căn cứ vào hoa văn hình quả trám viền trên của phần đế. Mặt có hoa văn hình quả trám này khác với các mặt còn lại. Thêm nữa, khi so sánh với đài thờ A1- đài thờ khá giống với đài thờ A10 về hình dạng, bố cục và họa tiết trang trí thì viền trên hình quả trám của hai đài thờ khá giống nhau và xoay theo hướng đền - hướng Tây. Trên cơ sở này để chúng tôi sắp xếp các mặt còn lại. 

- Về kết cấu và vật liệu xây dựng đài thờ

Là một đài thờ vuông có cùng chất liệu sa thạch xanh xám, đài thờ gồm 05 lớp đá xếp chồng lên nhau (ảnh 1). Lớp dưới cùng rộng nhất là phần đế đài thờ có kích thước 258cm x 258cm x cao 44cm, được ghép từ 9 khối đá, phần đế trang trí 4 mặt. Phần thân bệ thờ gồm 3 lớp đá ghép và xếp chồng lên nhau, có gờ giậc cấp và các ô chữ nhật có viền khuôn trang trí. Lớp đế và thân bệ thờ gồm các khối đá được ghép bằng các bản mộng đuôi én/cá và các chốt được gắn chặt bằng vật liệu chì (lần đầu tiên phát hiện chì liên kết đá tại Mỹ Sơn). Thớt đá dưới Yoni là một tấm đá nguyên khối, ở vị trí trung tâm mặt trên của thớt đá này có một lỗ tròn sâu 2,5 cm, đường kính 3,5cm, lỗ tròn này nằm ngay dưới yoni (ảnh 2). Có thể lỗ này dùng để chứa đựng những vật quý khi thực hiện các nghi lễ đặt linga-yoni.

Một điều đáng chú ý nữa là H. Parmentier (1904:23) có nhắc đến 04 đế trụ khi khai quật trong lòng đền A10. Khi đối chiếu thực tế thì 04 đế trụ này khớp với vị trí bốn góc của đài thờ A10 và nằm trên phần đế bệ thờ. Có lẽ đây là 04 đế trụ của một kết kiện gỗ mà ngày nay người Chăm thường gọi là janut – cấu kiện gỗ che đài thờ trong đền. Thường thấy 04 đế trụ này nằm ở bốn góc của đền nhưng có lẽ do không gian quá chật của đền A10 mà 04 đế trụ được đặt trên phần đế bệ thờ.  

Về kết cấu, kỹ thuật, hình dạng và trang trí, đài thờ A10 và A1 có sự kế thừa từ đài thờ Mỹ Sơn E1. Tuy nhiên, so với đài thờ E1 và các đài thờ được xây dựng trước đó, đài thờ A10 thay đổi. Thứ nhất đài thờ A10 không còn sử dụng các tấm chắn dựng đứng có trang trí bên ngoài và kỹ thuật xếp chồng phần lõi bên trong. Mà đài thờ A10 chỉ là những lớp đá xếp chồng lên nhau và sau đó trang trí bên ngoài. Việc thay đổi về kết cấu và kỹ thuật này làm cho đài thờ được vững vàng hơn, tuy nhiên việc trang trí bên ngoài sẽ gặp khó khăn hơn do gặp phải nhiều đường ghép giữa các khối đá. Thứ hai, có sự thay đổi hình thức của biểu tượng thờ, từ hình thức linga 3 phần đặt xuyên qua lỗ vuông của yoni thì đến giai đoạn này, linga chỉ một phần tròn và liền khối với yoni.

4. Niên đại

Theo Stern, P. (1942:30), đền Mỹ Sơn A10 thuộc cuối của phong cách Đồng Dương vào khoảng từ cuối thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ thứ 10. Về niên đại của đài thờ, đài thờ Mỹ Sơn A10 cũng cùng niên đại với kiến trúc của nó. Không tìm thấy văn khắc nào trên đài thờ, chỉ căn cứ vào kết cấu kỹ thuật, bố cục, hình thức trang trí của đài thờ và ngôi đền của nó để đoán định niên đại. Phần đế của đài thờ có trang trí là phần rộng nhất, sử dụng vòm cửa nhỏ, trụ áp tường có trang trí, một số nhân vật như đạo sư ở mặt Bắc đài thờ trong tư thế rajalilasana đầu với kiểu thức jata-mukuta. Phần thân bệ thờ trang trí các gờ, gật cấp, đối xứng, các viền khung. Những đặc điểm trang trí này khá quen thuộc ở đài thờ Mỹ Sơn E1. Tuy nhiên, các họa tiết trang trí, các nhân vật xuất hiện dưới các vòm cửa nhỏ thể hiện rõ thời đại xây dựng đài thờ này.

Thứ nhất, đài thờ mô phỏng các mô típ kiến trúc của đền A10 và là những mô típ đặc trưng của phong cách Đồng Dương như các trang trí vòm cửa với hình sâu, các bó hoa hình đàn thất huyền trên trụ áp tường. Các nhân vật là các nhà tu khổ hạnh đứng dưới vòm cửa trong tư thế chắp tay trước ngực (anjali mudra) với sampot có hai dãi dây dài hai bên, đầu đội kirita-mukuta với chét hoa ở giữa, khuôn mặt hơi vuông, trán ngắn, dái tai lớn chảy trên vai. Thứ hai, căn cứ vào kỹ thuật xây dựng, kích thước và trọng lượng của đài thờ và linga- yoni liền khối (gần 03 tấn)  thì đài thờ có thể được xây dựng trước hoặc cùng lúc xây dựng đền A10. Nếu đài thờ được xây sau khi xây dựng đền A10, thì việc di chuyển đài thờ vào trong lòng đền A10 là việc khó có thể xảy ra do khung cửa vào đền hẹp trong khi linga-yoni liền khối có kích thước và trọng lượng khá lớn.

5. Bảo quản và phát huy đài thờ

Đài thờ Mỹ Sơn A10 được trả lại hình dạng vốn có và vị trí ban đầu của nó. Tuy nhiên công tác bảo quản đài thờ A10 cũng đã đặt ra. Từ khi tái phát hiện, linga-yoni đã thấy xuất hiện một đường rạn nứt chạy từ góc yoni lên đến đỉnh linga. Nên việc hạn chế tác động bởi thời tiết như mưa, nắng trực tiếp lên dài thờ là rất cần thiết. Nên có phương án mái che cho đài thờ phù hợp với không gian đền A10 và nhóm A. Thêm vào nữa là đã giải quyết được hệ thống thoát nước trong lòng đền A10.

Mặc dù một số thành phần của đài thờ đã được phát hiện khi khai quật đền A10 từ đầu thế kỷ 20, tuy nhiên đây là lần đầu tiên đài thờ được lắp ghép một cách hoàn chỉnh và là đài thờ có linga-yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc tại Mỹ Sơn và Chămpa cho đến nay. Kỹ thuật xây dựng, hình dạng, trang trí của đài thờ A10 có sự kế thừa từ truyền thống nhưng thay đổi theo hướng đơn giản hơn (theo Lockhart, B. M., & Trần, K. P., (2010:292) do kiến trúc thay đổi, lòng đền tối hơn nên hình thức, trang trí đài thờ ít chú trọng). Đồng thời cũng mang những nét tiêu biểu của thời đại xây dựng nó.

Gần gũi nhất với phong cách Đồng Dương, đài thờ có cùng niên đại với ngôi đền của nó và được xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 9 đến phần tư thứ nhất thế kỷ 10 dưới vương triều Indrapura. Việc phát lộ và lắp ghép hoàn chỉnh đài thờ và trả lại theo đúng vị trí vốn có của nó đã làm rõ được chức năng của đền A10 và không gian tế tự của một ngôi đền Hindu tiêu biểu tại di tích Mỹ Sơn. Góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn kiến trúc và đài thờ của đền A10. Đài thờ là mắc xích quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử xây dựng và nghệ thuật điêu khắc tại khu đền tháp Mỹ Sơn – một trong những tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa.

 

Tin liên quan