SỐ HÓA ĐỂ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DUY XUYÊN

SỐ HÓA ĐỂ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DUY XUYÊN

Nằm dọc về phía bờ Nam sông Thu Bồn, Duy Xuyên là vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hoá với sự giao lưu của các nền văn hoá cổ trong khu vực đã tạo cho vùng đất đa dạng về địa hình và những lớp trầm tích văn hóa còn tiềm ẩn trong lòng đất của hai nền văn hoá Sa Huỳnh- Chămpa. Nổi bật nhất là kinh đô Simhapura Trà Kiệu và khu đền tháp Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Nối tiếp thời kỳ lịch sử ấy, các thế hệ Tiền nhân của Đại Việt, theo diễn trình thời gian hướng đến tương lai đã làm cho bề dày lịch sử - văn hoá của huyện Duy Xuyên càng đa dạng, phong phú mà những di tích lịch sử - văn hoá hàng ngàn năm tuổi trên mảnh đất này là những minh chứng đầy sức thuyết phục.

Description: z3652164953275_085041c47b96cad7ae1ac4a2beef827e

Cùng với tiến trình lịch sử, người Duy Xuyên có truyền thống hào hùng gắn với tinh thần lao động cần cù, luôn cầu thị, năng động, sáng tạo. Vì thế, trong cả ba tầng văn hóa: văn hóa khảo cổ, văn hóa trên mặt đất và văn hóa phi vật thể từ dòng đời nhiều thế hệ tích tụ, truyền lưu đã tạo nên một Duy Xuyên có số lượng di tích lớn với 5 di tích quốc gia, 1 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn, 48 di tích cấp tỉnh và đặc biệt có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là điểm đến lịch sử - văn hoá hấp dẫn du khách trong nước và thế giới. 

Các thế hệ người Duy Xuyên luôn tự hào về quê hương với bề dày trầm tích văn hóa, đặc biệt là với thế hệ trẻ vì chính những di sản vô giá ấy đã, đang và sẽ góp phần giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, yêu mảnh đất mà các bậc Tiền nhân và các thế hệ ông cha đã ra sức gìn giữ tô bồi để từ đó cùng xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích, di sản trên quê hương mình.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiện ích đem lại của chuyển đổi số đã giúp cho việc đưa thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đến với người dân nhanh hơn, công tác quản lý của nhà nước cũng thuận tiện hơn. Không đứng ngoài xu thế chung của chuyển đổi số, các di tích, di sản trên địa bàn huyện cũng đã nhanh chóng vào cuộc, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản. 

Thực hiện Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 17/8/2021của UBND huyện về “Phát triển sự nghiệp văn hóa huyện Duy Xuyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, một trong những nội dung cơ bản của Đề án là việc số hóa các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Vừa qua, nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Văn hóa và Thông tin  (28/8/1945-28/8/2022) Phòng Văn hóa và Thông tin đã thiết lập hệ thống đưa vào ứng dụng công nghệ QR code gắn tại 53/53 di tích, đây là giai đoạn đầu rất quan trọng của việc số hóa di tích, với hình thức chuyển từ tài liệu truyền thống (văn bản giấy, sách, báo) thành các tài liệu dạng số được lưu trữ trên máy tính, mạng internet và các thiết bị số nhằm giúp việc quản lý, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá và phát huy các giá trị của các loại hình di tích, di vật trên địa bàn không bị giới hạn về thời gian, địa điểm. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về di tích như giá trị về truyền thống lịch sử, niên đại, kiến trúc, quá trình tu bổ, phục dựng… cùng những biến đổi từ tác động xã hội, môi trường đến từng di tích. 

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện là điều cần thiết, đây chính là cầu nối giữa các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của ông cha gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ./.

Tin liên quan