Gương sáng Mặt trận: Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Trung gương mẫu, tận tình với dân

Gương sáng Mặt trận: Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Trung gương mẫu, tận tình với dân

Đã thành thông lệ hơn hai năm nay, cứ vào đầu tháng, Ban công tác Mặt trận, thôn An Hòa lại đến nhà máy xay xát gạo của anh Nguyễn Tá Thơm - Uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên để nhận “thành quả” là hàng chục ký gạo từ “Hủ gạo tình thương” mà gia đình anh, cùng những thương lái và bà con đến xay xát gạo đã tích luỹ được để mang đi phân phát, hỗ trợ cho những người già neo đơn, gia đình nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn.

Theo chân bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Hòa, chúng tôi đến thăm “cơ ngơi” của anh Nguyễn Tá Thơm. Cơ ngơi của người đàn ông vừa bước vào tuổi “ngũ tuần”, thực ra là nhà máy xay xát gạo rộng tầm 300m2 nằm cạnh ngôi nhà mà gia đình anh đang ở. Bước chân vào cơ sở xay xát gạo, điều đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn bao lúa của thương lái đang chất ngăn nắp từ ngoài cổng vào đến tận trong kho gạo. Dù đang tất bật để xay xát hàng chục bao lúa cho thương lái, nhưng khi thấy chúng tôi, anh Thơm chạy lại chào hỏi và trò chuyện rôm rả.

Anh Thơm cho biết, cũng như bao người dân của vùng quê thôn An Hòa, từ nhỏ gia đình anh là một gia đình thuần nông, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra hạt gạo. Là một người nông dân, nên anh hiểu để có được “hạt ngọc quý” là bao mồ hôi công sức họ đổ ra trên đồng ruộng. Quanh năm tất bật bên ruộng đồng nhưng vẫn không đủ ăn, nên anh phải làm thêm nghề xây dựng thì cuộc sống gia đình anh mới tạm ổn hơn.

Nhận thấy làm xây dựng quá vất vả, thêm vào đó tuổi tác ngày một lớn, khó đáp ứng nhu cầu công việc. Vì vậy, anh quyết định mua một xe ba gác máy 3 bánh để chở hàng thuê, đặc biệt là gạo, lúa cho các thương lái.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta, việc vận chuyển hàng hoá cũng chậm lại. Nghe tin có người sang lại máy xay xát gạo, anh liền bàn với vợ rút số tiền tiết kiệm được mua lại để làm kế sinh nhai. Nhờ sự nhiệt tình, vui vẻ nên không chỉ người dân trong thôn đến xay xát gạo, mà thương lái các vùng lân cận cũng tìm đến để hợp tác với anh. Nhờ vậy, công việc của anh ngày càng ổn định hơn. Người dân đến xay xát gạo, người trả công bằng tiền hay bằng gạo anh đều vui vẻ nhận.

Thông qua việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cũng như chương trình chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn của Mặt trận xã, anh quyết định lập “Hủ gạo tình thương” ngay tại cơ sở xay xát gạo của mình. Hằng ngày, ngoài việc trích một phần trong số gạo của người dân trả công cho mình đổ vào “Hủ gạo tình thương”, anh còn tuyên truyền, vận động các thương lái, người dân đến cơ sở xay xát gạo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, để cùng chung tay “của ít lòng nhiều”, mỗi người ủng hộ một ít gạo. Vì vậy, số lượng gạo tích luỹ vào “Hủ gạo tình thương” ngày một nhiều hơn. Qua hơn hai năm, số gạo từ “Hủ gạo tình thương” của anh Nguyễn Tá Thơm tích luỹ và vận động người dân cùng đóng góp là hơn một tấn gạo, tương đương với số tiền gần 12 triệu đồng. Số gạo này được Ban công tác Mặt trận thôn An Hòa dùng để hỗ trợ cho người già neo đơn, người nghèo, người đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn.

Bên cạnh đó, gia đình anh Nguyễn Tá Thơm còn là người tiên phong trong công tác hiến đất để mở đường. Anh đã hiến hơn 200 m2 đất ở với giá trị rất lớn, để mở rộng đường giao thông nông thôn, giúp cho giao thông tại địa phương thông suốt, việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn và ai cũng nể phục trước sự cống hiến của anh.

Hiện nay, kinh tế gia đình anh Nguyễn Tá Thơm tương đối ổn định. Thu nhập do anh tạo ra ngoài máy xay xát gạo và xe ba gác trung bình mỗi tháng trên 10 triệu đồng sau khi đã trừ các khoảng chi phí. Dù có được khoảng thu nhập cũng đáng mơ ước của nhiều người, nhưng ít ai biết rằng, anh Thơm còn nhiều nỗi lo. Sinh được 4 người con, nhưng người con thứ 2 của anh chị là cháu Nguyễn Thị Thảo (SN 1998) chẳng may mắc bệnh thiểu năng từ nhỏ. Dù đã 24 tuổi, nhưng cháu Thảo như một đứa trẻ sơ sinh, chỉ biết cười mà không thể làm gì cho bản thân, mọi việc đều do một tay anh chị chăm nôm. Tuy vất vả là vậy, nhưng khi ai nhắc đến chương trình “Hủ gạo tình thương” là anh vui lên hẳn. Anh nói: “Xuất thân từ nghèo khó, nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống nhiều người còn khổ hơn mình. Có được gì thì mình cho cái đó, mỗi người đóng góp chỉ một chút thôi cũng đã giúp được phần nào cho những người có hoàn cảnh khó khăn”. Tôi càng thấm thía hơn câu nói của anh “Con người sống với nhau phải biết yêu thương, san sẻ “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Hòa chia sẻ: “Gia đình anh Nguyễn Tá Thơm là một trong những gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước; luôn có trách nhiệm với cộng đồng và địa phương. Dù kinh tế gia đình anh chỉ cơ bản ổn định chứ không phải khá giả hay giàu có, nhưng từ khi anh mở cơ sở xay xát gạo tại nhà mình, anh đã tham gia cùng Ban công tác Mặt trận thôn An Hòa thực hiện “Hủ gạo tình thương”. Hủ gạo tình thương tại máy xay xát gạo của anh Nguyễn Tá Thơm duy trì rất tốt, số lượng gạo hỗ trợ cho những gia đình khó khăn mỗi ngày một tăng lên và được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, gia đình anh Nguyễn Tá Thơm còn là một trong những người tiên phong trong công tác hiến đất và vật kiến trúc để mở đường. Anh đã hiến trên 200m2 đất ở với giá trị rất lớn để mở rộng đường giao thông nông thôn từ 3m lên 7m. Đây là việc làm không hề đơn giản, bởi phải có đồng thuận của cả gia đình, chấp nhận đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì mới thực hiện được. Đây là một gia đình rất gương mẫu của thôn An Hòa”.

Chia tay anh Nguyễn Tá Thơm, chúng tôi rất cảm phục một con người nhiệt huyết trong cách nghĩ, cách làm với bà con nghèo. Tận trong thâm tâm anh, là tấm lòng thương người, sự cảm thông và mong muốn xã hội ngày một tốt hơn.

Tin liên quan