
KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO THÂM HẬU
Trà Kiệu vùng đất cố đô xưa của vương quốc Chămpa là nơi được minh quân Lê Thánh Tông cùng các vị trong đoàn quân Nam tiến chọn để khai khẩn lập làng, thành lập xã hiệu đầu tiên- nơi đây từng là đơn vị đứng đầu của “Quảng Nam tam đại xã”. Ngôi tiền đường nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu có lý lịch trên 550 được tọa lạc xứ Bửu Châu Non Trượt, xóm Hoàn Châu, thôn Trà Châu, xã Duy Sơn là minh chứng.
Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu được xây theo kiểu “Nhà rường truyền thống Xứ Quảng” gồm: “Tam gian, nhị hạ” (ba gian, hai chái) và được bố cục theo hình chữ Đinh (J), Hậu Tẩm ở ngay phía sau gian giữa. Tổng diện tích toàn bộ tòa nhà lên đến 165 m2 (dài 15 mét x rộng 11 mét). Khu đất có tổng diện tích 1.274m2 (cả khu vực 1 và 2 - theo Giấy chứng nhận quyền sử đất vào tháng 5/2007 của UBND huyện Duy Xuyên cấp). Do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt và những tác động của chiến tranh, Nhà thờ bị hư hại nặng nên đã được nhiều lần tu bổ. Lần đại tu lớn vào năm 1955 với việc thay đổi các cấu kiện gỗ thể hiện rõ nhất tại các vì kèo được chạm trổ theo phong cách của thợ mộc Văn Hà phía Nam Quảng Nam. Toàn bộ khung nhà được làm bằng gỗ mít. Nhà có 20 cây cột chia thành nhiều hàng và được liên kết nhau theo kiểu thức “thượng kèo hạ kẻ”. Các đầu kèo và đầu kẻ được xoi chỉ, chạm trổ tinh tế theo kiểu thức dân gian cách điệu đầu Giao (loại thú ẩn mình ngầm dưới đất và nước), cùng ngọn Thiên tuế và vân mây. Đầu kẻ phía trên gác lên phần đuôi kèo, đầu cuối ngoài xuyên cột rồi luồn đỡ bởi hàng cột xây bằng gạch vôi tạo nên hành lang thông thoánh chắc chắn. Các hàng cột cách nhau từ 1,8m đến 2m. Hệ bao che là tường vôi và ốp đá trên ở 3 hướng. Mặt trước lắp bộ cửa “bức bàn ván vách”, có thể tháo rời. Hệ mái che lợp ngói âm dương. Mái trước được phân cách thành 2 lớp tạo nên 2 bờ nóc (chính và phụ). Trên 2 bờ nóc đều được trang trí các con giống Long, Lân, Quy, Phụng và dây leo hồi văn. Giữa bờ nóc phụ gắn Lư Tam Tầng để thu hút khí thiêng, Tài Lộc Trời Đất. Đầu hồi gồm bờ hồi cách điệu đường nét gấp khúc uyển chuyển ôm lấy con dơi đang xòe cánh biểu tượng đón Phúc Lộc vào nhà.
Tại nội thất, ở nếp đầu tiên trên sát mái chính giữa là tấm hoành phi bằng chữ Hán làm bằng gỗ mít, dài 1,40m, rộng 0,80m, nền sơn son, chữ Hán vàng: “KHAI THÁC CÔNG CAO”, phần Lạc khoản ghi “Bảo Đại tam niên Thu” (Bảo Đại mùa Thu năm thứ 3). Chữ KHAI THÁC (開拓) theo từ điển Hán Nôm được hiểu là “mở rộng đất đai, bờ cõi”.
Bốn cây cột tả - hữu có treo bốn câu đối bằng chữ Hán: “Tiền tấn khai cương minh thạnh đức”, “Hậu lai sáng nghiệp trứ huy âm”. “Thiện tải hừng công thừa vĩ triệu”, “Song hành phụng chiếu tổng vinh bao”.
Tiếp vào phía trong là một tấm biển bằng gỗ treo cao, kích thước như tấm biển ngoài, có khắc chữ Hán: “TRIỆU CƠ TỤ”, “Mở đầu gây dựng cơ nghiệp”. Phần Lạc khoản “Bảo Đại tam niên Thu” (Bảo Đại mùa Thu năm thứ 3). Tiếp theo là 4 câu đối treo trên bốn cột với nội dung: “Đức trọng kế thừa sinh vọng cổ”, “Tinh linh chung dục quán thiên thu”. “Thác thổ Huân Công chương Bắc khuyết”, “Khai công Hồng Đức trứ Nam thiên”.
Sát vách nếp 2 bên trong là 5 bệ thờ: Bệ bàn Hội đồng chính giữa. Liền kề hai bên là 2 bệ Tả ban, Hữu ban và Liệt Tổ. Chất liệu và trang trí cũng như bàn thờ chính giữa, nhưng ít bề thế hơn. Tiếp theo là 2 bệ liền kề Tả, Hữu ban thờ các vị Tiền Bối và Hiền Triết trong tộc. Nếp tiếp bên trong, qua một vòm cửa uốn cong, trên có một phiến sa thạch dài. Tại hậu tẩm này, chính giữa thờ 13 vị Khai Cơ Tiền Hiền, vị Khai Quốc Thần Thuỷ Tổ tộc Nguyễn Trường (Ngài Mạc Cảnh Huống) cùng 4 vị Thứ Thế Tiền Hiền. Bệ thờ bên Tả thờ 13 vị Hậu Hiền. Bệ thờ bên Hữu thờ 07 vị Hậu Hiền của làng Trà Kiệu Thượng. Tất cả những bệ thờ trên đều xây bằng chất liệu xi măng, mặt lát đá granite màu đỏ, xung quanh bệ trang trí hoạ tiết cánh sen cách điệu chạy dài theo chiều ngang phía trên và hai chiều dọc của bệ thờ rất uy nghi, trang trọng, trên mỗi bệ thờ đều có bài vị chữ chạm khắc sắc nét cùng bài trí hương án, bát hương đúng theo phong tục thờ cúng của địa phương.
Theo tác giả, việc bố trí thờ phụng trên thể hiện sự lớp lang, chuẩn mực theo nguyên tắc từ thấp đến cao, từ cũ đến mới, từ Tiền Hiền khai khẩn đến Hậu Hiền khai cơ đúng như quan niệm về chân lý của cộng đồng cư dân Việt và tuân thủ theo bộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ thời Nguyễn. Nho giáo dưới triều Nguyễn được đề cao vì không chỉ trở thành nguyên tắc, phương tiện nhằm quản lý hệ thống chính trị-xã hội của Triều đình mà còn đào tạo nên cả đội ngũ nhân tài. Nhà Thờ Ngũ Xã Trà Kiệu là nơi thể hiện triết lý Nho giáo có tính chất chỉn chu mẫu mực.
Kiến trúc Nhà thờ là nơi phô diễn tài năng của các nghệ nhân nghề mộc, nghề vôi truyền thống. Từ hệ bao che đến khung chịu lực, mái lợp đều tạo thế kết nối liên hoàn, chắc chắn, vững chãi, phù hợp điều kiện địa lý khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngoài kỹ thuật xây dựng người xưa từ chủ công đến các kíp thợ đều đặc biệt chú ý đến yếu tố Phong thủy, từ hướng tọa lạc đến kiểu thức kiến trúc cùng hệ thống trang trí. Tất cả hài hòa, gắn bó để nâng tầm giá trị của công trình kiến trúc...
Từ sản phẩm hoành phi, câu đối cùng các Nho sĩ thành đạt đã là niềm tự hào của Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, vì đây là minh chứng cho kết quả tốt đẹp của ý thức Nho giáo, của văn hóa và triết học từng tồn tại dẫn dắt cho hành động của con người. Hệ thống hoành phi, câu đối tại Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu mang ý nghĩa chuyển tải thông điệp những lời răn dạy, của Tiền nhân, mang những sắc thái riêng biệt, độc đáo, thể hiện nét đặc trưng với nội dung cơ bản là giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Ái, chữ Nghĩa, chữ Tín, thái độ hòa đồng gắn bó hòa nhập, đoàn kết, là giá trị đạo đức, triết lý nhân sinh trong mối quan hệ triết học cùng lòng người. Vì thế không gian thờ cúng đẹp, đầy đủ, trang nghiêm tại đây đã tạo sợi dây kết nối biết ơn, cầu mong che chở, bày tỏ lòng khát khao giữa thế hệ hiện tại kết nối thế hệ xưa và thế hệ mai sau.
