Với văn hóa Chăm pa, người ta biết nhiều đến các khu đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, đồ gia dụng, những viên gạch trên những ngôi đền tháp với kỹ thuật xây cất không thấy mạch hồ như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vãi trồng bông…trên khắp miền Trung nói chung và huyện Duy Xuyên nói riêng, đặc biệt với khu đền tháp Mỹ Sơn đây là nơi thể hiện trình độ kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, mỹ thuật trang trí chạm khắc đỉnh cao để lại những công trình kiến trúc, những tác phẩm điêu khắc có giá trị là những kiệt tác nghệ thuật huyền bí được Unesco vinh danh Di sản văn hóa thế giới và còn nhiều thành tựu nổi bậc khác, bên cạnh đó không thể không nói đến kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người ở vùng đất khí hậu khắc nghiệt nắng nóng khô cằn.
Người Chăm là bậc thầy trong kỹ thuật xây- xếp gạch Năm 2024, trong cuộc tổng kiểm kê di tích; trên suốt dọc dài của huyện Duy Xuyên từ các xã khu tây Duy Thu, Duy Phú đến vùng đông Duy Hải, Duy Nghĩa xuất hiện nhiều những giếng mà theo người dân gọi là giếng Hời( cách dân gian gọi người Chăm), giếng có hai loại hình chính dạng giếng vuông và giếng tròn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay những giếng nầy được người dân ở mỗi nơi có cách bảo tồn riêng: Có giếng được gia cố phần bi trên tròn như giếng Đá tại thôn Phú Đa 2 xã Duy Thu, giếng nằm bên đầm sen gần nhà thờ Tin Lành, lòng giếng hiện còn 7 lớp đá phiến hình chữ nhật, từ lớp thứ 5 trở lên tròn (cải tạo), lớp thứ 6 và thứ 7 vẫn giữ hình vuông, dưới cùng là khung gỗ vuông, hiện giếng vẫn đang được dùng rất tốt; giếng Tứ Trụ, sở dĩ gọi là giếng Tứ Trụ bỡi giếng vuông, trên các góc của bờ giếng người ta xây trụ nhỏ nhô lên khỏi mặt thành. Giếng được làm hoàn toàn bằng đá cắt từng phiến hình chữ nhật, giếng hiện nằm trong khuôn viên vườn nhà cô Hai, thuộc khu phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, hiện nay giếng không còn sử dụng, người ta đậy trên miệng giếng một tấm lưới sắt để bảo đảm an toàn cho người già và trẻ em; Giếng Chùa nằm bên cánh đồng Cửa Chùa, trước khu di tích Chùa Vua, Triền Tranh, giếng được trùng tu năm 1975. Phía dưới có lót đá. Đáy giếng được kè bằng 4 tấm gỗ Lim. Vành được xếp bằng đá từ dưới lên trên. Theo người dân địa phương trước đây cả xóm Nam Sơn thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh dùng nước giếng trong sinh hoạt, đến mùa hè các giếng khác trong vùng đều khô cạn, riêng giếng Chùa nước lúc nào cũng đầy vơi, trong veo và mát lịm. Từ khi có điện, mỗi nhà đều có khoan giếng ngầm để tiện trong sinh hoạt, nên giếng không còn sử dụng. Hiện nay ông Trần Huỳnh Quang đặt máy bơm hút nước để phục vụ sản xuất, trên miệng giếng có đậy tấm lưới sắt để bảo đảm an toàn…
Đặc biệt với cụm gồm 9 giếng cổ ở Trung Phường, xã Duy Hải nằm trên một vệt dài theo hướng Bắc- Nam của cồn cát về phía đông Bầu Sấu tiếp giáp biển và gần với 2 di tích cảng cổ Trung Phường và ngôi chùa cổ Thanh Lương hiện đang lưu giữ bộ sưu tập tượng cổ rất quí hiếm. Phải chăng, Trung Phường là một địa danh cổ, từ thời xa xưa đã có thương cảng gắn liền với ngôi chùa cổ được hình thành vào khoảng thế kỷ I, II... Đây là giai đoạn thương mại quốc tế trên biển được hình thành phát triển, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Lợi thế của hải cảng Trung Phường là nơi có lượng nước ngọt dồi dào và nằm ở trung độ của con đường biển Nam Bắc nên rất thuận tiện trong việc buôn bán và cung ứng dịch vụ hàng hải như: cung cấp nước ngọt, thực phẩm dự trữ, sửa chữa và nêu đậu tránh bão, hoặc chờ gió mùa đến để tiếp tục hành trình của các đoàn thuyền viễn dương. Thời cảng thị Trung Phường thịnh vượng, chùa Trung Phường được xem là nơi hành hương của những thương nhân trong chuyến hàng hải dằng dặc trên Biển Đông từ đó cho thấy, hải cảng Trung Phường, chùa Thanh Lương là nơi các thương nhân cập bến vào chùa để trú ngụ tránh gió mùa, trao đổi hoặc cúng dường những pho tượng cầu mong bình an và tiếp nhận nguồn nước ngọt mát lịm từ chủ nhân người bản địa Lâm Ấp - Chăm pa. Với giả thuyết trên, vai trò hải cảng và hệ thống giếng cổ Trung Phường là điểm đến hấp dẫn của các thương thuyền Ấn Độ, Trung Hoa và nhiều nước khác trên “con đường tơ lụa trên biển”- trục giao thương hàng hải quốc tế mà Biển Đông là của ngõ bắt buộc.
Giếng Đá bên đầm sen thôn Phú Đa, Duy ThuTrong 9 giếng cổ tại Trung Phường có 3 giếng vuông 6 giếng tròn những giếng nầy không chỉ là nguồn nước ăn uống chính của cư dân trong làng từ bao đời nay mà còn cung cấp nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp của dân cư vùng cát Duy Hải. Nhưng gần đây một số hộ có giếng cổ trong vườn đã di dời nhà đi nơi khác sinh sống nên một số giếng đã bị bỏ hoang, số khác bị vùi lấp, hiện chỉ còn 5 giếng (trong bảng thống kê từ giếng Trung Phường 1 đến Trung Phường 5)
Giếng Trung Phường 1 có dạng trên tròn, dưới vuông, được xây bằng xi măng phần tròn và bằng gạch Minh Hương phần vuông. Phần gạch xây vuông theo kiểu một lớp dọc hai lớp ngang rất điển hình của người Hoa. Dưới cùng có khung gỗ vuông, rất điển hình của Chăm pa. Đây là sản phẩm tiêu biểu của 3 chủ nhân: Chăm, Hoa, Việt trên cùng một cá thể giếng. Trước hết phải nói đến người Chăm là những chủ nhân tinh vi trong việc tìm mạch ngầm và đào giếng, sau đó người Minh Hương cải tạo bằng cách xây gạch Minh Hương vào, rồi đến người Việt sau nầy lồng bi tròn, gia cố thành giếng sử dụng tiếp ( có giếng 2 chủ nhân là Chăm và Việt). Hiện giếng đã bị bỏ hoang. Giếng nằm cạnh Bầu Sấu Duy Hải
Bên trong lòng giếng cổTừ những năm 90 của thế kỷ 20 cho đến gần đây, theo sự dẫn dắt của cố GS Trần Quốc Vượng từ các cuộc điền dã trên địa bàn của vương quốc Chăm pa xưa, cho dù giếng được làm từ chất liệu gạch, đá cả đá phiến và đá ong, phần đáy có khung gỗ (có lẽ tùy vào vật liệu của từng vùng), hầu hết giới nghiên cứu đều đồng thuận chủ nhân của những giếng nầy là giếng Chăm cổ. Để lý giải vì sao hầu hết các giếng cổ của người Chăm đều có khung gỗ ở phần đáy và người xưa họ lắp gỗ bằng cách nào, TS. Nguyễn Tiến Đông, Trưởng Phòng Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học Hà Nội lý giải: “…Người ta làm cửi gỗ hình vuông theo kích thước đã định cho cái giếng sắp đào, đặt nó ở trên mặt đất và đào theo đúng khung đã định hình đó, giếng sâu đến đâu cái khung gỗ đó sẽ tụt dần theo, cứ như vậy giếng sẽ không bao giờ bị lệch hay xoắn, đảm bảo hình dạng chuẩn, không bị sụt lỡ do bị méo. Trong quá trình ấy, người thợ liên tục đào giật cấp từ mép khung gỗ vào thành giếng, tạo một khoảng cách đủ để đặt gạch hoặc đá xếp làm thành giếng, mặt trên của khung gỗ giúp cân bằng mặt phẳng gạch đá xếp. Kết thúc việc đào- xây/xếp gạch hoặc đá của thành giếng, khung gỗ đó được để nguyên dưới đáy giếng…”. Những viên gạch, người Chăm đã làm nên những kiến trúc đền tháp độc đáo, có quy mô lớn, khối kiến trúc hài hòa “nhịp điệu cân bằng mà sáng sủa” được coi là nghệ thuật đỉnh cao của kiến trúc gạch ở Đông Nam Á; và cũng từ những viên gạch truyền thống, những khung gỗ định hình nơi đáy giếng đã đóng một vai trò không nhỏ làm cho nước giếng luôn dồi dào trong veo mát lịm, như là huyền thoại trong lòng đất?!
Một giếng cổ bị bỏ hoang ở làng Trung PhườngHiện nay những giếng cổ nầy hầu như không còn sử dụng trong ăn uống, mà thay vào đó nhiều nguồn nước khác như kỹ thuật khoan giếng ngầm, nước từ nhà máy nước cung cấp…nên giếng cổ Chăm pa bị bỏ hoang hoặc san lấp gần hết. Kỹ thuật đào giếng và tìm mạch nước tốt của người Chăm cùng với hệ thống giếng của họ là một di sản văn hóa. Chúng ta cần quan tâm hơn đến một góc quan trọng của văn hóa Chăm pa, một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật- những giếng Chăm pa là một loại hình di sản văn hóa cần nghiên cứu và giải pháp bảo tồn.